Tôi nhận ra nhà
hàng Lã Vọng nhờ chiếc bảng hiệu hình ông Lã Vọng – Khương Tử Nha ngồi bó gối
câu cá đã hơn hai thế kỷ nay vẫn còn trên phố Chả Cá. Trò chuyện với bác Ngô Thị
Tình - con dâu của dòng họ Đoàn - năm nay đã hơn 93 tuổi về lịch sử của món chả
cá Lã Vọng, tôi có thêm nhiều điều hay ho về món đặc sản Hà Thành này.
Tôi chẳng phải kẻ sành ăn
nhưng lại may mắn lớn lên bên cạnh những người bà, người cô là người đầu gia
đình bếp tuyệt vời. Họ không phải đầu bếp chuyên nghiệp biết nấu hàng trăm món
ăn, dẫu vậy mỗi người họ lại biết cách nấu một vài món ăn Hà Nội ngon và đúng
hương vị. Nói đến đây lại nhớ đến người cô ruột với món "tủ" là chả
cá Lã Vọng, nấu ăn là một chuyện, cách ăn lại là chuyện khác, món ăn được
bày ra, ăn thì vẫn cứ ăn thôi nhưng để biết cách ăn sao cho các nguyên liệu
được ngon nhất thì phải học. Cái món chả cá Lã Vọng này cũng vậy, trước khi
biết cách ăn sao cho đúng thì bản thân cũng chỉ thấy món này cũng bình thường
thôi sao mà đắt và nổi tiếng đến thế. Đúng là sai lầm thật.
Khi
làm món này cô tôi hay chọn phải chọn cá lăng - loại cá này ăn thì ngon đấy mà
giá thì chẳng rẻ tí nào. Cá thái bản dày khoảng nửa phân, mỏng hơn lúc rán sẽ
quắt lại hết, ăn chẳng thấy vị. Chuẩn bị sẵn riềng xay nhỏ, phải chọn loại
riềng tươi xay thật nhỏ, chứ riềng khô xay không lên được vị. Tẩm cá với thật
nhiều riềng xay nhỏ, thìa bột canh, thìa mẻ, và chút nước mắm cho thơm, nếu
thích cá có màu vàng đẹp thì cho thêm một thìa bột nghệ, cách tẩm cá chỉ đơn
giản thế thôi nhưng không phải ai cũng biết.
Sau
đó là lúc giúp cô chuẩn bị những đồ ăn kèm món này, trước tiên là thật nhiều
thì là và hành tươi rửa sạch, hành tươi thì chẻ dọc phần củ, sau đó thái đốt
dài khoảng 2-3cm. Rồi đến lạc rang thơm trên chảo gang, vẫn còn nhớ mẹ hay dặn
rang lạc muốn ngon và chín đều thì phải phân hat lạc to và lạc nhỏ. Cho những
hạt lạc to vào đảo đều trước, một lúc sau mới cho lạc nhỏ vào, đảm bảo lạc chín
đều không có hạt sống, hạt lại cháy đen. Rồi đến cái thức chấm không thể thiếu
là mắm tôm, ai mà thay mắm tôm bằng nước mắm hay đồ chấm khác thì không gọi là
chả cá Lã Vọng nữa rồi. Pha mắm tôm phải có kinh nghiệm nhé, bát con mắm tôm
cho thêm một thìa rượu trắng (cho thơm), nửa thìa đường, chút xíu mì chính rồi
mới vắt chanh hoặc quất. Để đánh mắm tôm sủi bọt nhìn ngon mắt thì đôi đũa hơi
nghiêng góc 60 độ, mẹo cả đó, không có chuyện ngẫu nhiên mà mắm tôm sủi bọt,
sau đó mới thêm ớt. Không quên chuẩn bị thêm một đĩa bún rối.
Coi như là xong hết khâu
chuẩn bị bắt đầu đến chuyện thưởng thức sao cho thật ngon. Cô luôn chuẩn bị bếp
ga nhỏ với chiếc chảo gang, còn ai chơi sang hơn dùng bếp than nướng cũng được.
Vẫn cứ thích rán cá trên chảo gang hơn, cho chút mỡ hoặc dầu ăn vào chảo. Bắt
đầu xếp từng miếng cá một vào chảo để rán, rồi thêm một nắm hành lá, thì là đã
thái sẵn cho vào. Cá chỉ cần xém mặt, thịt cá không còn trong nữa là cá đã
chín. Cô chỉ tôi cách ăn cho đúng, trong bát để một ít bún rối, rồi cho miếng
cá đã rán chín lên, thêm vài hạt lạc đã rang, hành và thì là được làm chín từ
chảo, cuối cùng là thìa nhỏ mắm tôm. Một miếng là phải ăn đủ tất cả vị như vậy
mới thấy được cái ngon, cái tinh hoa của món này. Thấy thịt cá ngọt thơm mùi
riềng, các nguyên liệu được nối lại với nhau bởi cái vị "đặc trưng" của mắm tôm, có chút bùi ngậy của lạc
rang. Thật là hết xảy!
Những
ngày cuối tuần chuẩn bị cho gia đình một món ăn của người Việt chúng ta chẳng
phải là thích hơn ra hàng quán để ăn đồ ăn nhanh. Vẫn thầm cảm ơn những người
như cô để lũ trẻ chúng tôi lớn lên trong khoảng thời gian đổi mới này vẫn luôn
được thưởng thức hương vị truyền thống, không chỉ là học cách nấu, cách ăn mà
còn học cách lưu truyền!